18:37', 24/9/ 2012 (GMT+7) | |
Ðọc 25 bài trong tập thơ tác giả lần lượt “hầu chuyện” các nhân vật lịch sử có thật và huyền thoại, nhân vật văn chương xưa, ta cảm thấy thú vị và hấp dẫn, hầu như quên mất những ồn ào, bàn cãi về mới-cũ của thơ hiện nay. Vẫn câu chữ bình thường, dễ hiểu, vẫn nhạc điệu êm thuận có phần cổ điển, nhưng lại mang một phong cách rất mới - cả hình thức lẫn nội dung, từ cách đặt vấn đề đến cách diễn đạt.
Hình như tác giả không quan tâm đến việc sáng tác theo trường phái nào, không bận lòng truyền thống hay cách tân, không phức tạp hóa câu chữ. Nói chuyện ngày xưa, chuyện người ta đã cày đi xới lại nát nhừ trong lịch sử và trên văn đàn, trong “Hầu chuyện tiền nhân”, chỉ bằng một vài câu tưởng chừng bâng quơ, rời rạc, những “mặc định” hàng trăm năm kia bỗng dưng phải đặt lại lên bàn cân ý thức.
Vẫn đề cao, ca ngợi lòng chung thủy của nàng Vọng Phu, nhưng chỉ hạ một câu kết, khiến người ta phải nghĩ đến tính nhân văn của quan niệm cũ về lòng chung thủy và sự vô lý của chiến tranh: Ta chỉ thương đứa bé kia/ Đứa bé chưa biết mặt cha/ chưa biết tình yêu, lòng chung thủy/ Sao/ phải hóa đá cùng nàng?! (Trước hòn vọng phu). Cũng như với nhân vật điển hình trong tuồng cổ - Nguyệt Cô, với tinh thần trung quân tiết nghĩa, xưa nay người ta vẫn khen trí và chí của Tiết Giao, rủa Nguyệt Cô mù quáng, đong đưa, đáng đời cáo lại hoàn cáo; thì nay Văn Trọng Hùng bênh vực, lên án Tiết Giao, phê phán sự giả trá đen bạc: Tiết Giao/ Tiết Giao/ dẫu trung quân trọn đạo/ dẫu hiếu thảo vẹn mười/ Từ cáo ta thành người/ là người ta biết yêu/ vì yêu sao hóa cáo?(Nguyệt Cô).
Đặc biệt hơn cả, đối với các bậc tài danh có thật trong lịch sử, tác giả đã “hầu chuyện” khá sắc sảo, thông minh với từng người, nhất là những người mà lịch sử đánh giá “chưa tới”: Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Võ Tánh, Nguyễn Hữu Chỉnh… Thật không dễ dàng nói cho trôi chảy và thuyết phục được người đọc khi đi vào góc khuất chông gai này, nếu không am hiểu lịch sử một cách tường tận, thấu đáo; nếu không bằng một trái tim nhân văn sâu sắc và một cách diễn đạt tài hoa. Anh - một người hậu thế “bắt” các nhân vật lịch sử “đối thoại” với mình, bằng lý lẽ: là công- tội phải rạch ròi, là giá trị cao cả, thiêng liêng nhất của kẻ làm quan không gì khác hơn là vì dân, vì nước.
Bài thơ Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế nói về hai vị anh hùng ở hai chiến tuyến đối địch nhau một mất một còn mà đều sáng ngời nghĩa khí. Chỉ với hơn mười câu thơ ngắn đã đề cập và giải quyết một vấn đề lớn. Thật khôn khéo khi đặt câu hỏi: Là tướng của Gia Long tử chiến với Tây Sơn/ Sao ông không giống kẻ tiểu nhân kia trả thù hèn hạ/ Lại dừng ngựa cho Đồ Bàn yên ả/ Đốt cháy mình để bá tánh bình an?. Để Võ Tánh có dịp giãi bày gan ruột: Một đời ta vì trăm họ, giang san/ Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân, yêu nước. Hai câu kết của bài thơ như một vĩ thanh, vút lên lãng mạn và đầy nhân văn: Ngươi nhìn kìa Trần Quang Diệu đang sang/ Rượu đã sẵn và… trăng đã đến. Vốn là hai kẻ tử thù trước thành Hoàng Đế, sau hơn hai trăm năm, dưới ngòi bút Văn Trọng Hùng, ở một góc nhìn có “độ lùi” cần thiết, đã đồng hiện giá trị và nhân cách của cả hai vị tướng hai vương triều đối địch. Cảm thương cho Võ Tánh đứng trước một lựa chọn khó khăn: trung quân và ái quốc, ông đã chọn cả hai, bằng cách tự đốt mình để trao thành cho Trần Quang Diệu một cách yên ả, không hại đến dân, binh. Kính phục thay Trần Quang Diệu, người chiến thắng, đã an táng tướng thù bằng nghi thức trọng thể - một hành vi quân tử trước một hành động anh hùng. Họ thành đôi tri kỷ thiên thu khi cùng lý tưởng!.
Từ những bài thơ viết về các vị vua chúa như Lưu Bang, Đường Minh Hoàng, Tự Đức đến những bài viết về các công chúa, mỹ nhân như Mỵ Châu, Lý Chiêu Hoàng, Dương Quý Phi, Nguyễn Thị Lộ… ở con người nào tác giả cũng phát hiện được nét đặc trưng mà xưa nay ít ai nghĩ đến, lý giải các tình huống khá “biện chứng”, thuyết phục và đưa đến triết lý về nhân sinh.
Không “giải thiêng”, không đảo ngược giá trị, Hầu chuyện tiền nhân chỉ làm sáng tỏ những mập mờ, những bất công quá khứ, chỉ “thổi” tính nhân văn vào từng số phận của những tiền nhân thuở trước. Ngắn gọn, cô đúc, với một giọng văn buồn nhè nhẹ, mỗi bài thơ trong tập đều đặt ra và chạm tới được một vấn đề gì đó về lẽ sống, về kiếp nhân sinh. Hơn thế, thông qua mỗi cuộc “hầu chuyện” với một bậc “tiền nhân”, tác giả bộc lộ ý tưởng của mình trước những vấn đề còn chìm khuất, lửng lơ trong lịch sử, bằng cảm thức của một hồn thơ sâu lắng và nặng nợ tri ân.
|
Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012
Ðọc Hầu chuyện tiền nhân (*)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét