Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

MỖI BUỔI SÁNG Ở QUÊ


Tản văn Ngô Văn Cư

 

Buổi sáng luôn bắt đầu từ những trong trẻo, tươi mới đầy sức sống làm mỗi tâm hồn thêm rộn rã; buổi sáng còn là không gian tĩnh lặng, vời vợi xa những ồn ào, chật chội của cuộc sống thường ngày. Đã biết bao buổi sáng đi qua đời tôi như thế mà không hề nhàm chán. Có lẽ bởi tôi thường ngồi bên tách trà sớm mà hoài niệm về những ngày xưa cũ rồi lắng nghe hồn mình mênh mang một miền xanh gắn bó cả quãng ấu thơ. Những kỷ niệm cứ tạt vào ký ức để lòng tôi bừng thức cả một quá khứ rất đỗi hồn nhiên, rất đỗi mới mẻ.

Quê tôi là một vùng bán sơn bán địa không có những đặc sản để khoe như nhiều vùng khác. Không có biển xanh, sóng trắng, cát vàng; không có đồi trung du chập chùng xanh ngát những hàng chè; không có đất bazan đặc trưng của cao nguyên đỏ thắm; càng không có bạt ngàn vườn cây ăn trái… mà chỉ có những khoảnh ruộng đồng bé nhỏ, núi đồi lô nhô, sông suối hiền hòa. Nhưng tôi tin rằng đất nước mình nơi nào cũng đẹp, cũng quyến rũ. Chưa đặt chân đến một số nơi nổi tiếng nên tôi yêu biết bao nhiêu cảnh của quê nhà hiện lên trong tâm tưởng.

Có khi ngày mới ở quê tôi bắt đầu trên triền đồi thoai thoải, giữa một màu xanh ngút ngàn còn đọng hơi sương, những ngọn gió dìu dịu, nhẹ nhàng, mơn man như cố đánh thức những chiếc lá lười biếng còn ngủ say; để rồi tất cả đồng loạt nhảy múa nhấp nhô. Có điều gì đó thật kỳ diệu khi lá cỏ gờn gợn, lao xao như nhịp sóng. Tôi lại thấy mình tận hưởng sóng biển xôn xao khi đang ở miền trung du nhiều núi đồi và nhiều gió. Một sự trải nghiệm chuyển đổi vùng trong tâm tưởng thật vi diệu.

Có khi là tôi lại đi vào vùng ký ức của một buổi sáng trên cánh đồng quê nhà. Tôi gặp tôi đi bộ trên những con đường nhỏ mọc đầy hoa dại; đi qua những ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tàn cổ thụ; đi qua những khoảnh sân có đàn gà líu ríu kiếm ăn; đi qua những khuôn mặt trẻ thơ trong veo, hồn nhiên cắp sách đến trường. Hình ảnh trẻ em cắp sách đến trường đã không dưới một lần khiến lòng tôi mơ ước cất cao đôi cánh mà bay khỏi mảnh đất cỗi cằn để đến miền đất hào nhoáng ánh đèn của phố xá. Cũng may là tôi không mọc cánh nên bây giờ được hưởng những bông hoa dại khiêm nhường bên đường làng; được nép mình vào căn nhà bé nhỏ mà sống tĩnh lặng cùng cảnh vật.

Có những buổi sáng, khi xóm làng còn bồng bềnh trong sương sớm, nhìn ra xa, đồng lúa như tấm thảm xanh nhấp nhô theo làn gió. Lúa mơn mởn như đang ngả đầu vào nhau thì thầm trò chuyện. Rồi khi mặt trời hiện ra rực rỡ thì xóm làng như bừng lên cùng với bình minh. Âm thanh của chiếc xe thô sơ chở dụng cụ ra đồng chăm lúa hòa vào những câu chào hỏi của nông dân làm cho cánh đồng nhộn nhịp hẵn lên. Và, không thể thiếu tiếng cười đùa giòn tan của những cô gái, chàng trai để lòng tôi thêm yêu hơn mảnh đất cằn cỗi nhưng giàu tình thương này.

Những buổi sáng mùa hè không có gió, cả một vùng đồi thật yên tĩnh. Không khí vẫn mát lạnh tỏa ra từ hơi sương đọng trên cành lá; từ hơi thở nhè nhẹ của cây cối sau một đêm ngủ dài. Bầu trời trong vắt, lơ đãng vài đám mây khiến ta có cảm giác nhìn bầu trời qua một lớp thủy tinh. Ngay lúc này, tôi hít thật sâu để hưởng không khí trong lành và bất chợt nhận ra mùi thơm từ những đóa hoa. Buổi sáng thật đẹp. Như một bức tranh thủy mặc, với những nét phác họa đơn sơ mà sống động, để lòng ta yêu hơn tiếng chim đang ríu rít chuyền cành. Không rực rỡ mà đầy sức sống; rồi chẳng mấy chốc, nắng vàng làm cả vùng đồi sáng lên cùng cây cỏ. Trong ký ức tôi, những buổi sáng đi qua trộn lẫn với hiện tại và tương lai để một miền hoài niệm bật lên tiếng cười trong veo.

Những buổi sáng mùa đông thật đơn điệu nhưng lại có sự gắn kết những người thân trong gia đình một cách mạnh mẽ. Trời lạnh! Không ai muốn ra đường trong thời tiết lạnh giá này, mọi người ngồi bên bếp lửa mặc cho ngoài trời mưa gió gào thét. Nhưng mùa đông đâu chỉ có lạnh mà còn lụt lội. Cha lo ruộng lúa chưa kịp gặt, mái nhà có vài chỗ dột; mẹ lo đàn gà co ro nơi chái bếp, thương con cún run rẩy bên ngạch cửa; chỉ bọn trẻ là vô tư lùi khoai, nướng bắp… Những ngày đông giá luôn là nỗi ám ảnh trong tâm trí tôi.

Tôi vẫn thường gối đầu trên những buổi chiều để tìm về chốn xưa nhưng thường gặp buổi sáng hiền hòa. Khẽ chạm vào những bông hoa dại nở lặng thầm ven đường; nghe gió rì rầm kể chuyện; nghe cỏ trải lòng bằng sự dịu êm và hiền hòa, tôi lại thấy mình về với tuổi thơ bay bay vờn vờn vào mỗi buổi sáng, bước đi trong từng buổi bình minh mà yêu lắm cuộc đời này.

NVC

(Bài đăng trên báo LAO ĐỘNG THỦ ĐÔ ngày 19/9/2024)

https://laodongthudo.vn/moi-buoi-sang-o-que-177640.html?fbclid=IwY2xjawFen6dleHRuA2FlbQIxMQABHYxj3Aq8J7W_F8g_eCUxzK1zBU2KtCdCC_8cXNjM0gtDNKsvRUj5iDFUhA_aem_soP5HcOKvF2qocDfs2D8gA

 

 


 

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

NGƯỜI GIỮ LỬA TÌNH YÊU


Truyện ngắn Ngô Văn Cư

 

Những lúc rảnh rỗi hay có tâm trạng vui buồn, tôi thường đến nhà anh Thả chơi. Đến nhà anh, bởi vì anh cũng rảnh rỗi, nhất là những buổi chiều, tôi và anh tán đủ thứ chuyện. Có thể sôi nổi từ tính cách của một nhân vật trong cuốn truyện nào đó cũng làm cạn mấy bình trà và hết veo buổi chiều. Vui lên thì chuyện cả thế giới này đều nằm gọn trong những lời tán hươu tán vượn của anh em tôi. Họa hoằn mới nói về những người bạn, mà như đã có quy ước ngầm, không được nói về cái xấu của người khác ở phía sau lưng nên chúng tôi thấy quanh mình ai cũng tốt. Chỉ tội cho chị Hóa, vợ anh Thả. Chị phục vụ trà nước, có khi là thức nhắm, cho anh em chúng tôi. Lâu lâu lại góp vào một ý kiến, thường là ý kiến trái ngược với chồng. Thế là bị anh Thả gạt ngay. Chị nhẫn nại chịu thua nhưng tôi biết chị không phục. Nhiều lần tôi góp ý hãy bình đẳng nhưng anh Thả cũng gạt phắt. Anh là kẻ độc đoán, có lần tôi nói với anh như thế.

Chị Hóa có cuộc sống khó khổ từ những ngày còn thơ ấu. Cha mất từ ngày chị còn nằm nôi. Người mẹ trẻ phải tần tảo để nuôi con nên không để ý tuổi xuân đi ngang qua đời, đến khi đứa con trưởng thành thì đã không còn xuân sắc nữa. Hai mẹ con bìu díu nhau mà sống. Thế mà chị cũng qua được chương trình phổ thông để vào một trường sư phạm. Ra trường, chị công tác ở một ngôi trường xa phố xá và gặp anh Thả, cũng là một giáo viên cùng trường. Chị cần mẫn công việc cơ quan, quán xuyến công việc gia đình, lo toan sự nghèo khó… Còn anh, chiều nào cũng tụ tập cùng bè bạn sau khi đã xong công việc trường lớp. Mọi công việc nhà đều đặt lên vai của chị, kể cả chuyện chị phải làm thêm nhiều công việc khác mới đủ trang trải chi tiêu tiền nong trong gia đình. Người ngoài nhìn vào thấy chị cứng rắn và quyết đoán nhưng thật ra chị cũng yếu mềm và chịu thương chịu khó như bao người phụ nữ khác. Rồi nhà có thêm những đứa trẻ ra đời, gánh nặng gia đình càng đè lên vai chị mà công việc trường lớp cũng không thể chểnh mãng. Mỗi lần ra đường, chị cố làm đẹp hơn, trẻ hơn nhưng vết thời gian ngày càng in hằn lên cơ thể chị. Có lần tôi đùa rằng ra đường chị sang đẹp bao nhiêu thì ở nhà chị lại luộm thuộm bấy nhiêu. Chị cười và khẳng định điều ấy rất đúng với chị vì chị không muốn mọi người nhìn thấy chị với bộ dạng xấu xí. Tôi ngạc nhiên khi anh Thả lại nổi giận và cho rằng chị không quan tâm đến anh mà chỉ làm đẹp dáng cho mọi người… Nhưng tôi biết mỗi bữa cơm ngon hoặc những lần trà nước như thế này là thêm một chút lo toan cho chị. Chị có để cho chồng thiếu thốn gì với bè bạn đâu!

Thường thì tôi là người đứng giữa để giải hòa những xung đột của anh chị tưởng chừng chỉ có tòa án mới giải quyết được. Tôi nhắc nhở Chồng giận thì vợ phải lui. Chồng giận, vợ giận thì dùi nó quăng. Nhưng tôi đã lầm. Không có tôi, hai anh chị vẫn đối nghịch nhau từng ý tưởng, ra sức bảo vệ ý kiến như để bảo vệ cho sự cô độc của mình; rồi nhanh chóng xóa bỏ mọi biên giới để tìm sự đồng thuận mà ổn định. Chị Hóa có lần nói với tôi “Chú đừng lo cho tôi. Tôi đã quen tự bảo vệ mình từ khi còn nhỏ. Một đứa bé gái không cha, nghèo khổ như tôi thì bị ức hiếp là thường. Nhưng không ai bắt nạt được tôi đâu. Tôi phải sống cho chính tôi mà cũng cho cả mọi người nữa. Anh Thả là người chỉ biết mình và không cầu tiến nên thường khắc khẩu với tôi. Anh không muốn tôi làm thêm vì cho rằng đồng lương tháng của hai vợ chồng đã đủ trang trải…”. Nhìn căn nhà một tầng lầu khang trang, bề thế, không ai nghĩ rằng chị phải làm thêm đủ nghề mới có được. Chị hỏi tôi “Chú biết đến bây giờ tôi còn vẫn mơ ước điều gì không?”. Tôi làm sao mà biết được mơ ước của chị khi tuổi đã xế chiều. Chị nói như đinh đóng cột “Làm giàu!”. Và chị cho biết đây là ước mơ từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ vẫn chưa nguôi. Tôi ngạc nhiên nhìn người đàn bà nhỏ thó ngồi trước mặt. Mơ ước làm giàu mà chọn cho mình nghề giáo với đồng lương chết đói ba cọc ba đồng; lại chọn một người chồng cùng nghề  mà chỉ cần đủ cơm nước sống qua ngày là được.

Đâu phải trong cuộc sống, những điều mình thấy là đã hiểu được hết đâu! Trường hợp của chị Hóa cũng thế. Chị mồ côi cha khi vừa biết bước đi chập chững, tiếng gọi Ba cứ rơi vào thinh không. Chị lớn lên trong sự bảo bọc và tảo tần của người mẹ trẻ. Từ ngày còn đi học ở cấp Tiểu học chị đã thấu cảm được thế nào là nỗi buồn đau của kẻ không cha. Mỗi buổi đi học về nhìn bạn bè được cha đến tận cổng trường đón khiến chị không ít lần rơi nước mắt. Khi nghe cụm từ : Không cha!”, thì lòng chị buốt đau. Chị nói bằng giọng buồn buồn: “Dù thế nào đi nữa, hai đứa con của chị cũng không thể thiếu cha!”. Tôi hiểu. Nhưng ở một nghĩa khác. Sự hi sinh, sức chịu đựng của chị thật vượt xa trí tưởng tượng có thể của tôi.

Ngày chị Hóa vào học trường sư phạm là bước ngoặc trọng đại của đời chị. Chị háo hức chuẩn bị cho ngày nhập học. Người mẹ rưng rưng hiểu rằng từ nay đứa con đã vững chân vào đời và mình đã thật sự bớt đi phần nào gánh nặng áo cơm, bởi loại hình trường này không đóng học phí, lại được trợ cấp ăn uống hàng tháng, mà ra trường sẽ có việc làm ổn định. Nhưng có biết đâu, vào trường còn rất nhiều khoản tiền phải có để được học hành đàng hoàng, kể cả tiền trang trải cho việc làm đẹp đời con gái. Chị nhìn bạn bè sống chung phòng trọ mà thèm! Hàng tháng, ai cũng được gia đình gởi thức ăn, tiền bạc; còn chị thì suốt mấy năm đi học chưa một lần được nhận quà từ gia đình. Chị tránh cùng bạn bè dạo phố vào những đêm rảnh rỗi; tránh đến những nơi mua sắm… nói chung là tránh những nơi mà ít nhiều cũng phải bỏ tiền ra. Chị chỉ sống bằng số thực phẩm và số tiền ít ỏi mà nhà nước bao cấp hỗ trợ hàng tháng. Thời gian mọi người vui chơi, dạo phố… thì chị đến thư viện vùi đầu vào sách. Chị đọc như một con mọt sách thực thụ. Trong mắt mọi người thì chị là một người chăm học, cầu tiến; còn chị thì đang khép mình lại như một kẻ tự kỷ nhưng trong sâu thẳm trong lòng chị muốn có nhiều tiền! Trong lòng chị luôn có một nghịch lý. Đến với anh Thả, có một lý do là vợ chồng giáo viên sẽ có những khoản thời gian rảnh rỗi mà làm việc khác. Điều ấy chỉ đúng với chị, còn người chồng dành thời gian rảnh rỗi cho bè bạn và trà rượu! Chị phải gồng mình gánh vác chuyện gia đình là vì thế. Sự thèm khát và ước muốn của thời trẻ không hề mất đi, nó vẫn cứ hiện hữu trong từng việc làm hàng ngày của chị. Ví như thèm ăn một món nào đó là chị mua về ăn cho đến ngán tận cổ mới thôi; quần áo thì mặc theo thời trang như tuổi mới lớn theo cái gu của chị, đôi khi không hợp với mọi người chung quanh nhưng chị mặc kệ! Chị thường nói “Cho bù lại những ngày thèm muốn!”. Tôi cũng đã được chị đãi cho những món ăn đến phát ngán! Tôi hỏi chị: “Sao không mua sắm để ăn từ từ, mà ăn như kẻ sắp chết đói vậy?”. Chị cười: “Cái tính tôi nó thế!”. Ừ, cái tính ấy đâu phải hình thành ngay được mà là một quá trình. Bây giờ chị có cuộc sống khá giả hơn nhiều người, giao tiếp, quan hệ rộng nhưng tôi thấy chị vẫn đơn độc trong hành trình cuộc sống.

Cái đận vợ chồng chị Hóa ra ở riêng, chị bắt đầu bằng một gánh hàng rong với những mớ rau, rổ củ và những thứ linh tinh khác. Từ lúc tờ mờ sáng, chị đã tất tả chuẩn bị đủ thứ cho buổi chợ. Chợ nhà quê họp sớm và tan cũng nhanh. Những buổi không có tiết dạy đầu tiên hoặc dạy buổi chiều thì chị còn thơ thới. Còn những hôm có tiết dạy đầu tiên thì chị vội vội vàng vàng để còn kịp chuẩn bị cho những buổi dạy sáng. Cuộc sống vất vả nhưng bình lặng trôi qua được ít năm, tuy không gàu nhưng cũng khá giả hơn đồng nghiệp trong trường. Bỗng một hôm, anh Thả tuyên bố: “Từ nay, em không phải ngồi chợ nữa. Nó nhếch nhác lắm! Em buôn bán được là nhờ cha mẹ học sinh nể tình. Đồng tiền mình kiếm được chính đáng lắm nhưng anh thấy mình như được ban ơn với lại ngồi chợ không hợp lắm với ngành nghề của mình. Em nên làm một việc nào khác…”. Anh không phải không có lý. Rất nhiều lần chị cũng thấy thế! Bao năm êm ấm, ổn định là vậy; bỗng chốc thay đổi tất cả cũng làm chị băn khoăn, nhưng chị cũng nghe theo quyết định của chồng. Chị đi học may vá. Nghề này có thể tận dụng hết thời gian rảnh rỗi lại vừa có điều kiện chăm sóc gia đình và không phải bôn ba nơi đầu làng góc chợ. Sau mấy tháng học, chị đã có thể cắt may được áo quần. Chị quyết định “ra trường” mua máy may và mở tiệm tại nhà. Bạn bè đồng nghiệp đã ủng hộ; là khách thường xuyên của chị. Thu nhập có khá hơn. Thế nhưng cái nghề làm dâu trăm họ này khiến chị cũng mất ăn mất ngủ. Mỗi người một sở thích. Đã mấy lần chị phải may lại cái mới để đền cho khách hàng vì họ không vừa ý. Mà như thế chỉ cần mỗi tháng vấp phải một lần thì tất cả tiền công kiếm được trong tháng coi như bằng không! Chị lại đổi nghề! Một cái sạp tạp hóa nhỏ trước nhà đã hình thành. Rồi dần dần chị chuyển sang bán sách vở và đồ dùng học sinh, mặt hàng phù hợp với nghề nghiệp của chị. Ngày hè, các đồng nghiệp được nghỉ ngơi thì chị lại bận rộn với sách vở cho năm học mới. Nhưng bận rộn nhất là những ngày đầu năm học, chị vừa bán sách vở vừa phải lo toan việc trường lớp. Thế mà năm nào chị cũng nhận giấy khen đạt danh hiệu cao quý của ngành. Chị còn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được cử làm thanh tra chuyên môn của ngành. Tôi không ít lần ngạc nhiên hỏi chị: “Lo cái sạp hàng như thế kia thì chị lấy thời gian đâu mà chu toàn sổ sách và các công tác của trường lớp để đạt những thành tích đáng nể?”. Vẫn là nụ cười và lời nói như đã lập trình sẵn: “Tôi khổ đã quen rồi! Tôi hết lòng với nghề dạy học đã chọn; còn các việc khác để kiếm tiền thì tranh thủ, dù thu nhập có khá hơn…”. Chị vui với công việc trường và việc nhà. Chị thường nói: “Đến trường là tôi đến với học sinh; nhưng khi về nhà thì học sinh lại tìm đến tôi. Tất cả đều đi đến đích là thêm kiến thức cho lớp trẻ. Tôi yêu cả hai công việc. Không chỉ dạy kiến thức cho học sinh trên lớp mà còn hướng dẫn cho các em biết đọc sách tốt, sách hay…”. Ôi, chị Hóa của tôi đâu chỉ là người vợ đảm đang của gia đình.

Ở trường, đồng nghiệp ngưỡng mộ vợ chồng chị Hóa đã tạo được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Nhưng có ai biết được chị cũng có những giây phút khắc khoải chính trong mái ấm của mình. Anh Thả vô tâm, sống gần như ích kỷ nhiều khi làm chị tê tái cõi lòng. Thế mà có một giáo viên trẻ từng nói với chị rằng: “Sau này, em sẽ chọn người chồng giống như chồng chị. Anh ấy giỏi việc trường và yêu thương vợ con.”. Chị chỉ biết thở dài: “Khi nào em bước vào cuộc sống hôn nhân, được làm vợ và làm mẹ em mới thấu hiểu những sự thật phía sau tấm màn hạnh phúc. Mỗi nhà mỗi cảnh và phải tự vượt qua. Làm chồng mà chỉ yêu thương vợ con suông là chưa đủ, còn phải biết quan tâm…”. Chị tâm sự, có những khi cùng cực nỗi khổ, nồi buồn, chị đã muốn buông tay chồng. Chị lo cho anh chỉn chu mỗi khi ra đường; làm đủ việc để anh có thời gian lo việc trường lớp, thừa thời gian tụ tập bạn bè nhưng anh chưa một lần anh bên cạnh an ủi, vỗ về, ngay cả khi chị sinh con. Chị chơi với con và vùi đầu vào công việc làm niềm vui. Những lần hiếm hoi, có bạn bè hoặc gia đình đông đủ; chị cố gắng tạo một không khí ấm áp, bình yên khiến ai cũng ngưỡng mộ về mái ấm của chị. Đôi khi chị cũng nhìn vào chồng của người khác mà ước mơ. Nhưng chị biết dẫu chồng có vô tâm và lười biếng thì vẫn còn một điều đáng cho chị tự an ủi là anh ấy không ngoại tình, nhiều kẻ còn tệ hơn anh ấy nhiều. Chị cười nói với tôi: “Rất nhiều người đàn bà trên đời này giống chị, em à!”. Tôi thật sự ngạc nhiên về sự so sánh này. Nhưng tôi thấy trong mắt nhẫn nhục của chị ánh lên niềm hạnh phúc!

Lần gặp chị Hóa gần đây nhất là lần đến thăm anh Thả bị ốm. Tôi thấy chị gầy đi nhiều. Anh Thả không kìm được xúc động khi nói chuyện với tôi: “Khi anh bị bệnh, được chị em chăm sóc rất ân cần, chu đáo. Nằm trên giường bệnh mới biết vợ rất vất vả vì mình. Anh thật vô tâm…”. Tôi chỉ biết khuyên anh tĩnh dưỡng để mau khỏi bệnh cho chị bớt vất vả. Còn chị thì cười: “Vợ chồng ăn ở với nhau, trông cậy và nhau là lúc ốm đau hoạn nạn; chứ lúc khỏe mạnh thì ai cần đến ai. Dù sướng vui hay buồn khổ, gặp lúc thảnh thơi hay hoạn nạn cũng phải thương yêu đùm bọc mới phải đạo. Chuyện vợ chồng cãi nhau thì nhà nào chẳng có..”. Bỗng nhiên chị triết lý: “Giữ cho trọn vẹn duyên chồng vợ thì chẳng cần theo đạo nào cũng hạnh phúc, em à!”.

Tôi thì biết thêm một điều. Người vợ là người giữ lửa tình yêu cho mỗi gia đình.

NVC

 (Bài đăng trên VĂN NGHỆ AN NHƠN số 25 - năm 2024)