Chỉ cách thành phố Quy
Nhơn phía hướng bắc khoảng 25 km là đến với thị xã An Nhơn, nhưng nơi đó thuộc
một vùng đất rất khác; vùng đất hội tụ nhiều ngành nghề thủ công truyền thống
và món ăn dân dã. Nhưng nếu đi thêm khoảng 5 km nữa thì ta sẽ gặp ngọn tháp
Cánh Tiên cao sừng sững trên đồi, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, nơi từng
là kinh đô của vương quốc Chămpa từ năm 999 đến năm 1471. Tháp Cánh Tiên là
công trình trong khu vực thành Đồ Bàn còn nguyên vẹn đến nay, được coi là tháp
cổ nhất và đẹp nhất ở Bình Định. Năm 1982, tháp Cánh Tiên được công nhận là Di
tích kiến trúc nghệ thuật Chăm. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường
Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn
phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Nhưng mỗi khi nhìn
tháp, chúng ta có cảm giác như mỗi tầng tháp là hình ảnh những cánh chim đang
chớp cánh bay, gợi sự tưởng tượng huyền bí mà người đời đặt tên tháp là Cánh
Tiên. Những nét hoa văn độc đáo của tháp xin dành cho các nhà nghiên cứu nhưng
khách tham quan vẫn bị cuốn hút vào những hình chạm trỗ hình đuôi phụng; hình
thủy quái với vòi dài, nanh nhọn khiến cho tháp thêm phần huyền bí.