Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

BỖNG TA VỀ VỚI TUỔI THƠ



(đọc LƯỢC TRĂNG của Nguyễn Thị Mây)


Chẳng biết từ khi nào tôi mặc định là tôi đã thành người lớn và không còn đọc truyện thiếu nhi nữa. Cái thời chúi đầu vào những trang truyện tranh qua đi lúc nào tôi chẳng hay. Đến khi đọc tác phẩm LƯỢC TRĂNG của nhà văn Nguyễn Thị Mây thì giật mình thấy lòng mình vẫn… chưa già lắm. “Lược trăng” là tập sách thiếu nhi đầy đặn gồm 25 truyện, với 216 trang do NXB Phụ Nữ Việt Nam cấp phép vào tháng 3/2020.
Tập truyện gợi lên nhiều hình ảnh đẹp thơ ngây, trong sáng của lứa tuổi thiếu nhi sống ở nông thôn. Một nông thôn hiền hòa, ít sôi động nhưng giàu lòng nhân ái, bao dung. Lớp người già vun đắp, bồi dưỡng, hướng thiện cho lớp trẻ. Lớp trẻ thì yêu thương, kính mến, hiếu thảo. Lời nhắc nhở của bậc cha anh “Con làm việc thiện thì chính con đã là một cô tiên rồi đó. Một nàng tiên đã thật sự giúp ích cho mọi người” (Bay ra vùng nước nổi) đã làm háo hức mọi đứa trẻ mơ ước trở thành “nàng tiên”, và cũng đã ngộ “Thì ra, khi mình làm việc thiện, mình là người hạnh phúc trước tiên” (Ba người có sáu vé hát). Làng quê vẫn còn nghèo vật chất nhưng lòng tốt vẫn thừa, và điều ấy, làm cho ta giàu lên. Khi “… Nhiên hiểu ra rằng không tiền vẫn có thể có nhiều thứ nếu sống tốt với mọi người, hết lòng vì mọi người.”(Điều ngoại yêu thích). Những người đi trước đâu chỉ giúp cho lớp trẻ sống tốt không thôi, mà chúng phải sống có ích: “…Nhờ những lời khuyên răn của ngoại mà tôi nghĩ ra rằng, sáng tạo và lòng say mê sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp tôi tìm tòi những giá trị đích thực ở đời” (Ngày xưa con ngỗng tím). Cứ thế, trong mỗi câu chuyện, tác giả lại gài vào đó một ít lời răn dạy để các cháu ngấm dần.
Nhưng viết cho thiếu nhi mà chỉ những lời răn dạy sẽ khô khan khiến trẻ mau chán và… phản tác dụng. Không phải trẻ em nào ở nông thôn cũng chăn trâu, cắt cỏ; nhưng hình ảnh trẻ em cắt cỏ, chăn trâu rất quen thuộc trên đồng quê Việt Nam. Đôi khi lưng trâu lại là sân chơi tranh hơn tranh thua của trẻ em thôn quê. Hãy đọc một đoạn để thấy tâm hồn trong trắng, vô tư, hồn nhiên của tuổi trẻ:
“Đoan giận dỗi, ngoe ngẩy đi đến chỗ buộc trâu. Nó tháo dây, nhảy phóc lên lưng con Đen, thúc hai chân vào hông con vật ra lệnh “Đi”. Dự cười nhìn theo. Nó tót lên cây phượng, bẻ một nhánh rợp hoa rồi nhảy xuống. Dự cũng trèo lên lưng trâu. Tay trái cầm nhánh phượng, tay phải vỗ nhẹ vào lưng con Nâu. Hiểu ý chủ, con vật rảo bước. Chẳng mấy chốc, vượt qua mặt con Đen, Nâu nghểnh cổ, há mồm rống vang, đắc thắng.” (Theo gió hương bay)
Hoặc, đây là một tâm trạng của một đứa trẻ không muốn bỏ cuộc chơi để gò mình vào lớp học: “Lùi ra vườn cây sau nhà, trèo lên nhánh cây vú sữa, tôi ngồi co ro như con khỉ rũ. Vui gì mà đùa giỡn chứ. Sắp phải đi học rồi. Buồn thúi ruột” (Cô Tím của tôi). Nhưng rồi: “Hình như những đứa trẻ con nhà nghèo dễ thích nghi với hoàn cảnh. Chúng đón nhận mọi tình huống xảy ra với mình bằng thái độ cam chịu đến thản nhiên lạnh lùng”(Khuấy động cõi chết)
Những đứa trẻ nông thôn thường có một cái tên đẹp đẽ ghi trong giấy khai sinh thì vẫn còn một cái tên “tục”để giáo tiếp hàng ngày. Thường thì cái tên này không mượt mà như tên trong giấy khai sinh. Điều ấy, đôi khi làm trò vui cho bè bạn và khó chịu cho chủ nhân. Ai có cái tên xấu chẳng một lần ấm ức: “..Nghĩ lại tôi cũng buồn lắm. Hết tên thân mật rồi sao mà chọn cái tên A Bu không biết nữa. Để cho mấy thằng bạn học của tôi cứ gọi A Bú, lúc thì A Bù, khi thì Ốc Bu. Năm nay, tôi đã mười ba tuổi rồi chứ còn con nít, con nôi gì đâu.Mắc cỡ gần chết”(Đêm trung thu xóm nghèo)
Đôi lúc tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của “Những mùa trăng” mà nhiều lần tôi đã vô tình để trôi qua, bây giờ, nhà văn lại đưa tôi về với thiên nhiên êm dịu:
“… Nhưng lúc đó trăng yểu điệu, chậm rãi nhích từng chút một. Ban đầu là một quầng sáng nhàn nhạt từ từ nổi lên, nở ra, lan rộng rồi chị Hằng xuất hiện. Chị khoan thai đi lên bầu trời trong vắt. Duy thích thú reo to khi nhìn bóng trăng tròn vành vạnh. Trăng tưới lên mái lá ánh vàng huyền ảo. Căn nhà bỗng chốc mạ vàng, trở nên giàu sang, trịnh trọng” (Những mùa trăng)
Không thể trong một bài viết ngắn mà có thể nói hết những tầng ý nghĩa nhà văn gởi gắm. Chỉ cần lướt qua. Ta gặp một chuyện rất trẻ con nhưng thấm đẫm tình bạn tình người trong “Bao Công xử vụ án “Chiếc bông toòng teng” được tác giả viết bằng gọng văn hài hước, lôi cuốn. Ta gặp một đứa cháu hiếu thảo trong “Chiếc đầu lân báu vật” đã gợi lên một cuộc sống thật thi vị ấm áp khiến mỗi người đều thấy như “chúa xuân đang ở quanh mình” mà hưởng hạnh phúc. Ta gặp một vị bác sĩ hết lòng vì người bệnh khi thấy một hoàn cảnh đáng thương. Cứu người vì thấy cần cứu chứ không phải vì tiền, nhưng chính ông lại nhận được thứ giá trị hơn. Đó là lòng biết ơn và kính phục của mọi người qua cái tựa đề rất gần gũi “Cảm ơn bác sĩ!”. Còn biết bao con người khác mà tôi chưa kể ra đây.
Khép trang sách lại, ta thấy lòng mình trong sáng hơn và ta như bé lại mà hòa mình vào thiên nhiên, gia đình, nhà trường cùng bè bạn tung tăng về phía tương lại. Tôi thích giọng văn mộc mạc, ít trau chuốt nhưng mạch lạc và giàu hình ảnh của nhà văn. Xin được giới thiệu cùng các bạn để tìm đọc.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Thị Mây đã đưa tôi về khoảng trời tuổi thơ đã một thời quên lãng!
NVC