Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Lời bình truyện ngắn HỌP của NGÔ VĂN CƯ in trên VNBĐ số 65


Lời bình truyện ngắn HỌP của NGÔ VĂN CƯ đọc trên đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định trong chương trình Đọc truyện cuối tuần ngày 24.11.2018


Tác giả: Lê Hoài Lương
.
Chuyện muôn đời việc cha mẹ già yếu con cái tị nạnh nhau việc chăm nom. Dĩ nhiên không nói những gia đình thuận hòa, yêu thương nhau, có trách nhiệm với máu mủ ruột rà. Trong văn chương, mảng góc riêng tệ bạc, bất nhẫn này xưa nay cũng là đề tài quen thuộc. Truyện ngắn của Ngô Văn Cư trong tuýp chung ấy.
Quanh chuyện người mẹ già đau bệnh, gần đất xa trời, anh chị em gia đình ấy có 3 cuộc họp: nuôi chăm mẹ đau bệnh, lo phần hậu sự tang lễ và chuyện xử lý phúng điếu cúng giỗ.
Đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm nuôi mẹ và toan tính việc chia tiền phúng điếu, những người con lớn đã hiện lên đúng bản chất toan tính vô đạo của mình. Chuyện cuối cùng ánh lên vẻ đẹp đạo nghĩa khi vợ chồng người con nhỏ cũng làm tròn hiếu thuận.
Truyện ngắn “Họp” có mấy điểm thành công. Chuyện lý lịch các đời con khéo léo lồng ghép phần nào cho thấy hiện trạng xã hội và thân phận người phụ nữ thời đất nước gian lao. Tên những người con: 2 Trước, 3 Lầm, 4 Thấm, Út Thía cũng là dụng ý hiệu quả. Không cần rườm lời mô tả tính cách, tự cuộc họp và các diễn biến đã bóc tách toàn bộ tâm tính nhân vật. Yếu tố châm biếm nhẹ nhàng: bề ngoài làng xóm luôn thấy những đứa con đồng thuận lo cho mẹ: thực tế việc những người anh chị đòi chia tiền phùng điếu, người con nhỏ dành sẵn mấy bó nhang đèn là đỉnh điểm kịch tính. Nó vỡ òa bẽ bàng như bị chơi khăm, chưng hửng một quả báo.
Ngô Văn Cư chỉ như người tường thuật các cuộc họp có thật chứ không phải viết văn. Gãy gọn, mạch lạc, sắc lạnh, mạch truyện tự nhiên và tới đích.
“Họp”, một truyện ngắn rất đáng đọc từ đề tài khá quen thuộc./.


Tác giả: Vân Phi

Truyện ngắn Họp của tác giả Ngô Văn Cư khai thác thể tài khá quen thuộc về tình cảm gia đình, mà ở đây là sự đối xử của con cái đối với chính đấng sinh thành của mình, để lại cho người đọc nhiều suy gợi.
Truyện xoay quanh hoàn cảnh của một gia đình người mẹ có bốn đứa con. Hai người con đầu của hai ông cha khác nhau thuộc về hai chiến tuyến được sinh ra trong những năm tháng chiến tranh. Hai người con sau của một người cha khác ở thời bình. Bà đi qua bao dèm pha người đời, dãi dầu xuôi ngược nuôi nấng các con trưởng thành. Nhưng đến cuối đời, cái bà nhận lại là sự hờ hững của đa số các con khi họ né tránh chuyện phụng dưỡng người mang nặng đẻ đau ra mình.
Qua những cuộc họp gia đình của các người con, tác giả bóc mẽ cái chữ hiếu vờ vịt của các con, những đứa con đặt nặng những toan tính nhiều hơn là tình thương. Đọc truyện mà cười ra nước mắt, mà giận, mà cay đắng với cách hành xử của vợ chồng Hai Trước, Ba Lầm, Bốn Thấm... Họ một mặt vừa đùn đẩy trách nhiệm chuyện chăm sóc mẹ những năm tháng già yếu cuối đời nhưng lại vừa tham lam chút tiền thăm đau, phúng điếu. Tấn “bi hài kịch” này được tác giả khắc họa thành công qua cách dẫn truyện khá có nghề, để câu chuyện cứ khiến người đọc suy tư.
Cái bạc bẽo của tình người khi bị vật chất lấn át được tác giả đặt vào trong một hoàn cảnh gia đình cụ thể. Sự nối kết của các cuộc họp lần lượt như từng bản án tố cáo lòng dạ của những đứa con. Nhưng không phải người con nào cũng vô tình với bậc sinh thành… Ở một chừng mực nào đó, người con út đã dành tình thương yêu cho mẹ mình bằng việc tiếp nhận sự đùn đẩy và hết lòng chăm sóc cho mẹ. Hành động của người con út, như muốn cho vợ chồng những người anh một bài học liệu có hiệu quả không khi có những thứ khác được họ xem trọng hơn là tình yêu thương trong gia đình, xem trọng hơn cả người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau mà lẽ ra bà đáng để cảm thông, yêu thương hơn là trách giận kia?
Tác giả xử lý nội dung gọn, chắc, có sự đan nối hài hòa và bố trí nhiều tình tiết khá bất ngờ như chi tiết vợ chồng Út Thía chối từ nhận quà thăm đau, nhận tiền phúng điếu..., hay sự lật lọng “tỉnh như ruồi” bằng “cái giọng nhẹ tưng” của Hai Trước… Cay xót, mai mỉa. Truyện làm người đọc cười ra nước mắt, để sau đó lằng lặng ngẫm nghĩ về lẽ đời, về những giá trị yêu thương trong gia đình bị biến thể, bào mòn…
Theo tôi, đây là một truyện ngắn khá hay của tác giả Ngô Văn Cư, hẳn sẽ tạo nhiều ấn tượng cho bạn đọc./.

V.P

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

CÕI RIÊNG TRONG HOÀI NIỆM Tản văn Ngô Văn Cư

CÕI RIÊNG TRONG HOÀI NIỆM
Tản văn Ngô Văn Cư 

Hơn bốn chục năm xa mái trường trung học phổ thông, lòng tôi vẫn rưng rưng hướng về như một mảnh tâm hồn tôi vẫn còn để lại nơi ấy. Mỗi khi nhắc đến tên trường xưa, tôi như gặp lại tuổi trẻ của mình. Và, dường như những năm tuổi trẻ của tôi vẫn còn lưu giữ trong lòng bạn bè với bao kỷ niệm thơ ngây và trong sáng.