Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

HỌA THƠ - THƠ HỌA



 
XUÂN BIỆT

Rực rỡ mai đào giữa tiết xuân
Tiễn người giã biệt cõi hồng trần
Nghìn trùng xa cách con tim nghẹn
Trăm nỗi đau buồn nước mắt rưng
Hồn bướm chênh chao ngày ngắn số
Thân tằm chua chát buổi đa truân
Mà đời vẫn thế êm đềm chảy
Rực rỡ mai đào giữa tiết xuân.


HẠ NHỚ

Như còn lãng đãng bóng hồng tươi
Giữa tiếng ve than dậy đất trời
Lược cũ săm soi làn tóc rối
Gương xưa ngắm nghía giọt châu rơi
Nắng hanh ngày đến tình thêm đượm
Sương lạnh đêm về nhớ chẳng vơi
Cảnh hạ trêu ngươi khoe nét đẹp
Khi câu li biệt đã ngâm rồi!



THU SẦU

Chênh chếch đầu non bóng nguyệt tàn
Trời giăng mây xám đón mùa sang
Còn đây ngọn bút chưa khô mực
Mà đấy tơ tằm đã đứt ngang
Giọt nắng vô thường chao chát rụng
Men nồng dâu bể ngậm ngùi than
Người ơi, mây trắng về đâu đó
Để một trời thu gió lộng tràn.


ĐÔNG VỌNG

Trời đất giao hòa nước trắng sông
Không gian trầm mặc suốt mùa đông
Rong rêu ngao ngán sầu tan hợp
Hoa lá xôn xao khúc ấm nồng
Gió sớm lưng trời đau buốt dạ
Mây chiều đáy nước thắt se lòng
Tình riêng mắt dõi bờ xa thẳm
Vọng cố nhân hoài – Chuyện sắc không!
NVC

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

CHO DÙ NGÀY ẤY ĐÃ XA


     Anh nhắc lòng hãy cố quên nhau, như hai đứa chưa một lần gặp gỡ; như chưa từng đi chung con phố; như chưa từng ngồi chung quán cà-phê…
     Bởi anh sợ một chiều kia những trái tim lang thang tìm nơi trú ngụ; khi ta chưa kịp quên nên lòng hay ngoái lại và hai ta lại chạm mặt nhau thôi.
     Ở hai đầu bập bênh của cuộc đời; người này trầm thì người kia bổng, chiếc đòn kê thành tâm cuộc sống đã lệch rồi nên ta khó cùng nhau…
     Em đã đi về phía sang giàu, nơi ấy dễ tìm ra hạnh phúc. Mười hai bến lẽ nào em rơi vào bến đục, trò chơi định mệnh này anh chấp nhận chịu thua!
     Nỗi lòng anh chấp chới khúc giao mùa, một khoảnh khắc chợt quên chợt nhớ, anh không muốn thêm một lần lầm lỡ, thà một lần đau hơn âm ỉ suốt đời.
     Bởi anh quyết lòng sẽ quên nhau thôi , để bây giờ nghe tiếng “quên” là lòng anh quặn thắt, nghe tiếng “yêu” là lòng anh day dức…Tất cả vẫn vẹn nguyên dù ngày ấy đã xa rồi…
NVC

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Hiểu thế nào về “tứ bất” triều Nguyễn?

Về lịch sử triều Nguyễn, lâu nay các sách vở thường nhắc tới một nguyên tắc gọi là “tứ bất” (bốn không): Không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu và không phong đông cung.
Tuy nhiên, các tài liệu lâu nay không thống nhất, chưa đưa ra văn bản nào của nhà Nguyễn quy định điều đó.
Vua Gia Long không quy định “tứ bất”
Trong tập 1 bộ Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971, trang 370 có viết: “Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị bằng cách tăng cường chế độ chuyên chế. Các vua Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát… không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” là không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc (mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi)”.