Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

HỐI LỘ Ở CỬA PHẬT THEO CÁCH NHÌN CỦA PHẬT TỬ



HỐI LỘ Ở CỬA PHẬT THEO CÁCH NHÌN CỦA PHẬT TỬ
Phật tử Phúc Thịnh 
Có người nói rằng: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ..." là có ý nói việc hối lộ không những là bản tính của tất thảy con người phàm tục, mà ngay cả những con người ở thế giới thanh tịnh được coi là đã diệt trừ được Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến cũng vẫn có chuyện tham nhũng và hối lộ. Nói như thế là để ngụ ý: việc chống tham những là việc cực kỳ khó, và không chống được tham nhũng cũng là điều hết sức hiển nhiên. 

Vâng, việc chống tham nhũng đương nhiên là khó. Nói là khó, nhưng nếu thực tâm thì vẫn có cách tốt hơn rất nhiều để hạn chế việc này. Ở đây, tôi không bàn đến việc chống tham nhũng được hay không, cũng không bàn đến việc hạn chế tham nhũng bằng cơ chế ưu việt nào, mà chỉ bàn đến một khía cạnh mà người ta hay hiểu nhầm về đoạn kết của câu chuyện Tây Du Ký. 

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CHUYỆN KỂ CỦA BA TÔI

                                                  

                                    (Về một nhân vật có tên trong Văn Chỉ Hoài Ân)

Sinh thời, ba tôi thường kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện có liên quan đến những nhà khoa bảng, những gương học tốt để khuyên dạy con cháu… Có một câu chuyện liên quan đến một vị đỗ Thủ khoa Cử nhân khi còn rất trẻ. Đó là ông Lê Truân (còn gọi là Lê Chân); quê ở thôn Thanh Lương, ÂnTín, Hoài Ân, Bình Định; đỗ Thủ Khoa Cử nhân khoa thi Thành Thái thứ 18 (1906) khi ông mới 23 tuổi.
Số là, theo quy định thi Hương có 4 kỳ:
Kỳ 1: thi kinh nghĩa, thư nghĩa.
Kỳ 2: thi chiếu, chế, biểu.
Kỳ 3: thi thơ, phú.
Kỳ 4: thi văn sách.
Thi qua cả 4 kỳ thì đỗ Cử nhân, Người đỗ đầu gọi là Giải Nguyên. Những người đỗ Cử Nhân được bổ dụng làm quan ở cấp tỉnh, cấp trung ương hoặc được đi làm quan các huyện, dần dần mới lên chức vụ cao hơn. Nhưng muốn dự thi Hương phải qua hai điều kiện gọi là Khảo Hạch.
1, Phải có đạo đức tốt và lý lịch trong sạch, được xã trưởng và quan địa phương xác nhận.
2. Phải kiểm tra trình độ học lực lúc đầu nhưng không tính vào nội dung thi Hương 4 kỳ trên.
Do có quy định như thế nên trước khi đi thi, Lê Truân phải đến gặp các quan địa phương để xin xác nhận. Khi nhìn thấy một cậu còn nhỏ tuồi, vóc dáng nhỏ con, khép nép gữa đình làng Thanh Lương (một cái đình lớn thuộc Tổng Quy Hóa, nay là thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân); các vị chức sắc có vẻ xem thường, muốn thử tài. Có người đề nghị là Lê Truân phải đối được câu đối do các cụ ra mới đóng triện cho đi thi, còn không, thì phải về nhà học thêm. Vế ra như sau:
-Ngô văn thiên tải giáp khoa, thanh thủy trường giang trường đạo mạch.
Không cần suy nghĩ lâu, Lê Truân đã đối lại:
-Thánh tự nhất tâm chi húy, lương ba tự cổ tự thiên kim.
(Theo lời giảng của ba tôi, có nghĩa: -Tôi nghe nghìn năm mới có được một khoa (tiến sĩ), mà năm này qua năm  khác nước trong xanh nơi sông lớn (cứ) chảy một đường dài; -Văn hay đến tột bực (thì tôi)  một lòng kiêng sợ, nhưng con sóng tốt đẹp tự ngàn xưa vẫn gợn (trên dòng nước xanh kia) như được dát vàng)
Cái hay của câu đối là con sóng đẹp của vế đối đã vượt trên dòng  nước trong xanh của vế ra; và nhất là ghép chữ thanh ở vế ra và  chữ lương ở vế đối  được chữ Thanh Lương  là địa danh của  đình làng Thanh Lương.
Dĩ nhiên với câu đối trên các vị đã vui mừng tiễn Lê Truân đi thi và quả nhiên,  khoa thi Thành Thái thứ 18 (1906), tại trường thi Bình Định, ông đã đỗ Thủ khoa, lúc mới 23 tuổi.
Một giai thoại nữa không thể không kể ra đây, là khi Thủ Khoa Lê Truân vinh danh về quê, dân làng Tổng Quy Hóa đem võng đến tận Hoài Nhơn để đón nhưng vị Thủ khoa thấy mình còn quá nhỏ tuổi nên không dám ngồi võng mà cùng dân đi bộ về. Khi trở lại đền Thanh Lương báo công, lúc đang hành lễ thì cây xà của đình làng bỗng gãy đổ. Mọi người cho rằng đây là điềm không tốt…!
Quả nhiên, sau đó chẳng bao lâu, ông mất, cuộc đời ngắn ngủi, chưa kịp thi thố tài năng… nhưng trong lòng người dân Hoài Ân vẫn luôn nhớ đến ông là một nhà khoa bảng làm rạng rỡ cho quê hương Hoài Ân, là tấm gương cho con cháu học tập.
Ngô Văn Cư
      
       

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

BẮT TRỘM - Truyện ngắn: Ngô Văn Cư



Tuyết lay vai chồng gọi khẽ
-Anh.. anh…
Minh ngái ngủ:
-Gì thế?
-Hình như nhà cô Tư có trộm… có tiếng rì rầm ở bển…
-Ngủ đi! Có con Lan trong nhà…
Minh xoay người nằm im. Tuyết vẫn thao thức. Đúng là có con Lan nhưng nó con gái mới lớn. Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu nhưng nó còn khờ lắm nên trước khi đi xa vắng nhà cô Tư đã nhờ vợ chồng Tuyết để mắt xem chừng nhà và Lan. Người nhà quê sống tin tưởng và gắn bó với nhau lắm. Nhất gia hữu sự bách gia ưu! Cô Tư tin tưởng mình thì mình phải có trách nhiệm.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NGÀY ẤY CHƯA XA


                                                                                                                  Truyện ngắn Ngô Văn Cư
Tôi gọi Trang bằng chị không phải vì Trang lớn tuổi hơn tôi, mà vì cái thằng nhà quê trong tôi lần đầu tiên đến thành phố tự ti, khúm núm gọi thét rồi thành thói quen. Có một số người khi đã quen thân thì tôi đổi cách xưng hô cho phù hợp nhưng với Trang thì không. Đó là những năm cuối của thập kỉ bày mươi của thế kỉ trước, khi đất nước ta vừa hoàn toàn giải phóng. Tôi cũng vừa tốt nghiệp cấp ba ở một trường huyện và bước chân vào trường sư phạm ở thành phố. Chị Trang là người tôi gặp đầu tiên khi đến nhập học. Tôi tìm đến trường khi trời đã xế chiều, cổng trường vắng hoe, thỉnh thoảng một vài sinh viên đi ra cổng từ khu nội trú trong trường. Bộ phận hành chính tiếp nhận sinh viên đã hết giờ làm; tôi xớ rớ chẳng biết hỏi ai, ngơ ngác nhìn mọi người, chắc là vẻ mặt ngờ nghệch lắm thì Trang bước tới hỏi han và giúp đỡ tôi bước đầu làm quen với môi trường mới. Chị đem hành lí của tôi để tạm vào phòng chị, gởi tôi ngủ tạm phòng với một bạn trai đến trước; rồi dẫn tôi đi ăn, dạo phố… với vai một người chị, một người quen thân lâu. Hôm sau, tôi lúc cúc đi theo chị làm các thủ tục nhập học, nhận nơi ở… Chị thực sự chu đáo cho tôi và từng trải trong cuộc sống. Tôi chỉ là đứa em nhỏ và Trang xứng đáng được tôi tôn trọng gọi bằng chị. Cái thằng nhà quê trong tôi chưa bao giờ một lần dám nghĩ rằng Trang nhỏ tuổi hơn, đáng em mình; hoặc là người con gái, dù có lớn tuổi, vẫn phải chịu làm em trước người con trai. Suốt mấy năm học ở trường, tôi vẫn giữ mối quan hệ này và còn thấy thích thú. Bạn bè cùng khóa cứ nghĩ rằng chúng tôi có quan hệ họ hàng với nhau, là chị em họ với nhau…


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

LÁ THƯ KIỀU GỬI HỒ TÔN HIẾN - Thơ Ngô Văn Cư

Trông lên mặt sắt đen sì
Kiều


Thưa ngài Tổng Đốc trọng thần
Tôi là nhi nữ hồng quần thanh lâu
Ngập trong son phấn dãi dầu
Đã bao nhiêu kẻ thả câu lọc lừa!
*
Có người tình bén duyên ưa
Có người ăn xổi chỉ vừa trao tay
Có người đắm đuối mê say
Có người tôi gởi thân này nhớp nhơ.
*
Cửa sau lắm chuyện bất ngờ
Ngài cho tôi một ước mơ ngọt ngào
Nép thân dưới bóng anh hào
Trở tay… sẽ hưởng quyền cao sang giàu!
*
Lời quan nước chảy qua cầu
Người quan ngây dại đêm sâu bỗng nhòa
Trận tiền ta rõ bụng ta
Mắt môi đắm đuối tình và… mà thôi!
*
Dẫu rằng cao thấp lệch ngôi
Sao ngài quên vội những câu mặn nồng
Cùng nhau vui lúc tang chồng
Làm nhơ nhớp cả nước sông Tiền Đường!
*
Biết ngài tài giỏi kinh luân
Âm thầm rủ sạch hết trơn… khó gì!
Còn tôi phận gái nữ nhi
Ngàn năm bia miệng còn ghi… giết chồng!
*
Là quan… ngài biết hay không?!
NVC

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

CHỈ CÒN NỖI NHỚ TRONG TẬP THƠ LỤC BÁT


Đọc "Chỉ còn nỗi nhớ" - NXB Hội nhà văn 2012.
Tập thơ của Ngô Văn Cư


Cũng do cơ duyên nào đó, tôi nhận được được tập thơ "Chỉ còn nỗi nhớ" của Ngô Văn Cư. Một tập thơ gồm 57 bài lục bát. Đọc kỹ càng, tôi nhận ra thơ Ngô Văn Cư đã và đang đi vào độ chín. Chín trong cảm xúc và cách thể hiện. Giọng điệu ngọt ngào, êm đềm của chàng trai đất võ đưa người đọc đến những làng quê bình dị, yên ả. 

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

THÁNG TƯ BÌNH ĐỊNH

Tháng tư Bình Định sân đầy nắng
Góc phố bâng khuâng cánh phượng hồng
Sắp đến mùa thi thôi áo trắng
Tan trường chân sáo cứ lông nhông…


Tháng tư Bình Định đường nhiều bụi
Quán cóc nhâm nhi chuyện bại thành
Bè bạn bao thằng không trở lại
Giật mình cái thuở mộng công danh.


Tháng tư Bình Định trời đầy gió
Gió ở muôn nơi gió đổ về
Gốc rạ chiều vàng khô đợi nước
Nao lòng nhớ mãi một miền quê.


Tháng tư Bình Định chao ôi nhớ
Phố xá chen chân rộn tiếng cười
Lòng bỗng men theo câu hát cũ
Quên đời mình quá tuổi hai mươi.
NVC

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

MỘT LẦN ĐẾN XỨ THANH



 
Giữa thành phố bỗng gặp trăng
Núi Nhồi, sông Mã sương giăng giăng mờ
Tìm trong cõi thật chút mơ
Gặp đôi bìm tóc mà ngơ ngẩn lòng
Câu đùa chạm khoảng trống không
Mà tình đăng đắng nỗi giông bão về
Bơi trong vũng mắt đam mê
Xôn xao từ buổi tôi về…xứ Thanh.
Ngô Văn Cư

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Lang bang sông nước Miền Tây (Ký- Phóng sự)

Lang bang sông nước Miền Tây
(Ký- Phóng sự)
Hơn 3 giờ chiều, từ sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn chúng tôi mải miết đến Cần Thơ, quê hương của người đẹp Tây Đô. Tên đất Tây Đô có xuất xứ từ một sự kiện lịch sử, cuối năm 1787 khi chúa Nguyễn Ánh từ Xiêm La về, đã đặt tổng hành dinh tại Cần Thơ trong vòng 2 năm để làm bàn đạp chiến lại Sài Gòn- Gia Định. Bởi vậy, vùng sông nước hữu tình này có thêm một tên mới.
Đến nay Cần Thơ được coi là thủ phủ trung tâm của 13 tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Các làng xã vùng sông nước miền Tây này không có những tiêu chí truyền thống của làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, sân đình… song lại có không gian sống khoáng đạt và sớm quen với cơ chế thị trường của một vùng gạo trắng nước trong được thiên nhiên ưu dãi. Trên chặng đường dài 169 km, xe đi qua những vùng đất có cảnh quan và hương vị khá đặc biệt. Trên tỉnh Tiền Giang, nhận biết thị trấn Cai Lậy thật dễ, bởi nền trời tua tủa những dàn ăng ten. Đến nay, hầu như các gia đình ở đây đều đã sử dụng truyền hình cáp, song cả rừng ăng ten không còn dùng đến, cũng chả có nhà nào dỡ bỏ đi, như muốn tạo thêm điểm nhấn cho quê hương mình. Trời nhoè tối, trên đoạn đường dài gần 3 km qua vùng quê của huyện Cái Bè, nơi có những vườn cây ăn quả bạt ngàn, trong xe ô tô bỗng ngào ngạt mùi thơm của sầu riêng, một loại quả đặc sản của vùng sông nước miền Tây. Cây cầu Cần Thơ từ tỉnh Vĩnh Long vắt qua con sông Hậu, dẫn chúng tôi dến thành phố lớn. Đã gần 8 giờ tối, xe máy đi lại như mắc cửi, không thấy cảnh sát giao thông, nhưng ai ngồi trên xe cũng đội mũ bảo hiểm, một ý thức sống khó mà tìm thấy ở quê ta! Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều- tên này được đặt theo địa danh Ninh Kiều- nơi có chiến công lẫy lừng trong bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý). Đêm, bên bến và công viên Ninh Kiều bám mặt sông khoảng cây số, người đông như trẩy hội, nhà hàng là một chiếc du thuyền, đèn hoa lộng lẫy, véo von tiếng đờn ca tài tử quay về cập bến. Đây là nhà hàng nổi 3 tầng sức chứa 700 thực khách. Khi đã đủ người, du thuyền lại rời bến, quanh quẩn trên sông nước để khách ngắm thành phố và cây cầu Cần Thơ về đêm, tàn cuộc ăn lại về cập bến, đón lượt thực khác mới. Một chuyến đi, đâu khoảng tiếng rưỡi. Những món ăn miền Tây, phải thưởng thức bằng mắt, mới thấm hết cái ngon, đó là những bông su đũa hồng thắm như cánh sen, “ngó” cây hoa súng tím nhạt, màu vàng của nụ hoa bí ngô sắp đến thời xoè cánh để hợp cùng nồi lẩu của món cá bông lau nào đó…

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

CHƯA THỂ XÊNH XANG




                  Chân muốn giang hồ cho thoả chí
              Lòng còn bìu ríu chuyện mưu sinh
              Đêm nghe gió thoảng lay cành lá
              Ngán nỗi bão giông bủa phận mình.
              NVC

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

NHẬT KÝ TÂM TƯ


Ngày...
Tôi nhặt chút hồn nhiên
Ép vào những nỗi muộn phiền vẩn vơ
Ngày ...
Tôi đánh mất câu thơ
Lang thang tìm vớt sau bờ cỏ non
Ngày...
Con nước lớn đục dòng
Dáng em bay dạt triền sông xa vời
Ngày...
Tôi tìm được tim tôi
Úp tay vào mặt lặng ngồi trầm tư
Bây giờ
Mang nặng kiếp người
Hát câu cố sự buồn vui cũng đành.
NVC

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

NÉT TRẦM

(Tặng người trong ảnh)
Em đứng trên cầu Thị Nại
Tóc mây theo gió vờn bay
Xôn xao sóng tình trong mắt
Đưa chiều vào giấc mơ say!

NVC
(Nhà thơ TMH)

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

TUỔI 59-thơ Ngô Văn Cư




Dẫu quá nhọc nhằn vẫn quá yêu
Vui buồn sướng khổ biết còn nhiều
Đã từng cậy sức khi vừa lớn
Chưa dám khoe tài lúc sắp hưu
Nghề nghiệp vẹn tròn câu đạo lý
Đạo đời mờ ảo chuyện cao siêu
Lắng nghe mạch sống âm thầm chảy
Thanh thản lòng ta buổi xế chiều.
NVC 

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

KÝ ỨC DÃ QUÌ - thơ Ngô Văn Cư

alt
Lặng lẽ vàng trong đồi núi
Mang mang một nét dã quỳ
Sương chùng thời gian ngưng đọng
Thẩn thờ những dấu chân đi.
.
Lặng lẽ vàng trong góc phố
Giữa màu xanh nhạt nhòa sương
Bước chân người xa bỡ ngỡ
Nao lòng một cánh hoa vương.
.
Lặng lẽ vàng trong nỗi nhớ
Lối xưa còn đó ai về
Tháng năm dỗi hờn kí ức
Dã quỳ vẫn ngợp trời quê.

NVC

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

HỌA THƠ - THƠ HỌA



 
XUÂN BIỆT

Rực rỡ mai đào giữa tiết xuân
Tiễn người giã biệt cõi hồng trần
Nghìn trùng xa cách con tim nghẹn
Trăm nỗi đau buồn nước mắt rưng
Hồn bướm chênh chao ngày ngắn số
Thân tằm chua chát buổi đa truân
Mà đời vẫn thế êm đềm chảy
Rực rỡ mai đào giữa tiết xuân.


HẠ NHỚ

Như còn lãng đãng bóng hồng tươi
Giữa tiếng ve than dậy đất trời
Lược cũ săm soi làn tóc rối
Gương xưa ngắm nghía giọt châu rơi
Nắng hanh ngày đến tình thêm đượm
Sương lạnh đêm về nhớ chẳng vơi
Cảnh hạ trêu ngươi khoe nét đẹp
Khi câu li biệt đã ngâm rồi!



THU SẦU

Chênh chếch đầu non bóng nguyệt tàn
Trời giăng mây xám đón mùa sang
Còn đây ngọn bút chưa khô mực
Mà đấy tơ tằm đã đứt ngang
Giọt nắng vô thường chao chát rụng
Men nồng dâu bể ngậm ngùi than
Người ơi, mây trắng về đâu đó
Để một trời thu gió lộng tràn.


ĐÔNG VỌNG

Trời đất giao hòa nước trắng sông
Không gian trầm mặc suốt mùa đông
Rong rêu ngao ngán sầu tan hợp
Hoa lá xôn xao khúc ấm nồng
Gió sớm lưng trời đau buốt dạ
Mây chiều đáy nước thắt se lòng
Tình riêng mắt dõi bờ xa thẳm
Vọng cố nhân hoài – Chuyện sắc không!
NVC

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

CHO DÙ NGÀY ẤY ĐÃ XA


     Anh nhắc lòng hãy cố quên nhau, như hai đứa chưa một lần gặp gỡ; như chưa từng đi chung con phố; như chưa từng ngồi chung quán cà-phê…
     Bởi anh sợ một chiều kia những trái tim lang thang tìm nơi trú ngụ; khi ta chưa kịp quên nên lòng hay ngoái lại và hai ta lại chạm mặt nhau thôi.
     Ở hai đầu bập bênh của cuộc đời; người này trầm thì người kia bổng, chiếc đòn kê thành tâm cuộc sống đã lệch rồi nên ta khó cùng nhau…
     Em đã đi về phía sang giàu, nơi ấy dễ tìm ra hạnh phúc. Mười hai bến lẽ nào em rơi vào bến đục, trò chơi định mệnh này anh chấp nhận chịu thua!
     Nỗi lòng anh chấp chới khúc giao mùa, một khoảnh khắc chợt quên chợt nhớ, anh không muốn thêm một lần lầm lỡ, thà một lần đau hơn âm ỉ suốt đời.
     Bởi anh quyết lòng sẽ quên nhau thôi , để bây giờ nghe tiếng “quên” là lòng anh quặn thắt, nghe tiếng “yêu” là lòng anh day dức…Tất cả vẫn vẹn nguyên dù ngày ấy đã xa rồi…
NVC

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Hiểu thế nào về “tứ bất” triều Nguyễn?

Về lịch sử triều Nguyễn, lâu nay các sách vở thường nhắc tới một nguyên tắc gọi là “tứ bất” (bốn không): Không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu và không phong đông cung.
Tuy nhiên, các tài liệu lâu nay không thống nhất, chưa đưa ra văn bản nào của nhà Nguyễn quy định điều đó.
Vua Gia Long không quy định “tứ bất”
Trong tập 1 bộ Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971, trang 370 có viết: “Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị bằng cách tăng cường chế độ chuyên chế. Các vua Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát… không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” là không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc (mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi)”.