Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

KẺ CÓ TỘI - Truyện ngắn

 
KẺ CÓ TỘI
                          
                                                                    Ngô Văn Cư

   Nó nằm đấy. Tư thế nằm sấp. Hai chi duỗi thẳng về phía trước. Mắt lim dim hướng về đĩa thức ăn đã nguội. Hai cánh mũi phập phồng như cố tìm trong không khí một chút mùi phảng phất. Nó nằm như thế hơn nửa tháng rồi. Ai cũng nghĩ nó là con vật hiền ngoan, no đủ, không ăn vụng, bởi đĩa thức ăn trước mặt vẫn đầy ắp! Họ có biết đâu nó đang đói! Nhưng cái sợi xích nhỏ bằng inox quái ác ở cổ nó đã giữ nó lại cách đĩa thức ăn một tầm với! Đã nhiều lần nó cố giằng bức khỏi dây xích nhưng không được. Bây giờ nó nằm hiền ngoan như thế này là bất lực. Nhưng nếu có một con vật nào đi đến gần đĩa thức ăn là nó đứng dậy, xù lông, gầm gừ, nhe răng đe dọa… khiến con vật kia hoảng sợ lãng ra xa. Rồi nó nằm xuống, buồn rầu nhìn đĩa thức ăn.
***

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

TRÒ CHUYỆN VỚI THÚY KIỀU bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên

TRÒ CHUYỆN VỚI THÚY KIỀU
bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên

Nhà văn Triệu Xuân
Khoảng sau Tết Nguyên đán 1970, thơ Lý Phương Liên xuất hiện trên báo ở miền Bắc và tức khắc thu hút sự chú ý của dư luận văn học. Người ta nói nhiều, ca ngợi nhiều về chị bởi trước hết thơ chị mới lạ, hay. Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha chị là công nhân, làm ở nhà máy điện Bờ Hồ, ông mất vì bệnh. Mẹ chị chết trong một trận bom khi đang trên đò qua sông Hồng. Chị học hết lớp 8 (hệ phổ thông 10 năm) phải bỏ học đi làm công nhân, kế nghiệp cha, để nuôi các em. Thưở ấy, là công nhân mà lại biết làm thơ, thơ lại hay thì được ca ngợi tót vời. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầy khâm phục của sinh viên chúng tôi khi đang học năm thứ hai Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội- được đọc nguyên một trang thơ Lý Phương Liên, in trên báo Nhân dân, ngày 20-8-1970, và nhiều tờ báo khác. Thời ấy, văn, thơ mà được in trên Nhân dân là khủng khiếp lắm! Lý Phương Liên trở thành sự kiện trong làng thơ: Nổi tiếng ngay từ những bài thơ đầu. Hồn thơ Lý Phương Liên trong trẻo, hồn nhiên, lối thể hiện mang âm hưởng thơ ca dân gian, truyền thống nhưng khá hiện đại và rất thực. Em mơ có một phiên tòa, Ca bình minh, Chim bằng… là tấm lòng của một thiếu nữ giữa thời đạn bom khói lửa vẫn tràn đầy lòng nhân ái, cháy bỏng tình yêu và dồi dào nghị lực. Bài Chim bằng là chỉ dấu sáng chói của một tâm hồn thơ yêu tự do, khát khao tự do, dám phủ nhận những lồng son tù túng, đồng thời cũng chứng tỏ lối thơ cách tân khá sớm của tác giả. Thế rồi bài thơ dài: Trò chuyện với Thúy Kiều (Nghĩ về Thúy Kiều) được in trên báo Văn nghệ. Ngay lập tức, chị bị phê phán. Thậm chí, có kẻ cho rằng Trò chuyện với Thúy Kiều là của một tên Nhân văn Giai phẩm đã đưa thơ của hắn cho chị in dưới danh chị để… Thế là “xong phim”!